Khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014 quy định cụ thể về căn cước công dân như sau: "Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này".
Theo đó, căn cước công dân có gắn chip là căn cước công dân nhưng được gắn thêm một mã QR nằm ở góc trên mặt trước của thẻ và con chip ở mặt sau thẻ.
Hai thành phần này giúp thẻ căn cước công dân có thể tích hợp thêm các thông tin cá nhân như: Hộ khẩu, bảo hiểm, bằng lái xe, số chứng minh nhân dân cũ…. Mã hóa các dữ liệu cá nhân cơ bản như họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, đặc điểm nhận dạng.
Như vậy, căn cước công dân có gắn chip chính là thẻ căn cước công dân phiên bản tối ưu hơn, hiện đại hơn với nhiều tiện ích vượt trội hơn, tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý của Chính phủ.

12 số trên thẻ Căn cước công dân (CCCD) là số định danh cá nhân. Tại Điều 7 Thông tư 07/2016/TT-BCA hướng dẫn về ý nghĩa của từng chữ số này như sau:
- 03 chữ số đầu tiên là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh.
- 01 chữ số tiếp theo là mã giới tính của công dân.
- 02 chữ số tiếp theo là mã năm sinh của công dân.
- 06 chữ số cuối là khoảng số ngẫu nhiên.
Mã giới tính được quy ước như sau:
- Thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến hết năm 1999): Nam 0, nữ 1.
- Thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến hết năm 2099): Nam 2, nữ 3.
- Thế kỷ 22 (từ năm 2100 đến hết năm 2199): Nam 4, nữ 5.
- Thế kỷ 23 (từ năm 2200 đến hết năm 2299): Nam 6, nữ 7.
- Thế kỷ 24 (từ năm 2300 đến hết năm 2399): Nam 8, nữ 9.
Mã năm sinh: lấy 2 số cuối năm sinh của công dân sẽ là mã năm sinh.
Nguồn: theo 'Cổng Thông tin điện tử Chính phủ'